Trang chủ
0

(0) Sản phẩm trong giỏ

0 VND

Mua bán nhôm thỏi 96 như thế nào?

Thế giới hiện nay đang khan hiếm nhôm, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới hơn 40% sản lượng tiêu thụ, có điều giữa năm 2023, Tập đoàn Nhôm hàng đầu Trung Quốc phá sản. Trung Quốc từ quốc gia xuất khẩu nhôm, giờ rất nhiều nhà mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm mua nhập khẩu nhôm. Từ đây, nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến buôn bán nhôm 96 tại Việt Nam đã và đang diễn ra.

Tôi có đơn hàng 10.000 tấn, 100.000, 200.000 tấn...

Nói hàng ngày thì hơi ngoa, nhưng hầu như tuần nào Công ty chúng tôi cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn, zalo, wechat, thư hỏi hàng (Loi)... của khách hàng hỏi mua nhôm thỏi 96 với đơn hàng 5000 tấn, 10.000 tấn, cho tới 100.000 tấn, 200.000 tấn... Khách hàng nào hỏi cũng như chuẩn bị xuống tiền ngay. Thế nhưng, hầu như không ai tìm hiểu về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng. Làm sao có thể cung cấp 10.000 tấn nhôm chứ?

Nhôm thỏi 96

Nhôm thỏi 96 chuẩn bị xuất khẩu

Năng lực sản xuất

Tôi không biết có phải khả năng đi tìm hiểu hết các ngóc ngách của các cơ sở, công ty, nhà máy sản xuất nhôm thỏi 96 của bản thân đã đầy đủ hay còn hạn hẹp. Nhưng có thể nói hiếm có cơ sở nào có khả năng sản xuất được 10 hay 20 tấn nhôm thỏi 96/ngày. Vậy nếu muốn mua ngay đơn khoảng 5.000 tấn thì phải làm như thế nào? Đừng nói tới đơn 10.000, 100.000 tấn!

Phải xem kho hàng, cơ sở sản xuất

Thực tế thì kho hàng có sẵn vài trăm tấn nhôm thỏi 96 đã rất hiếm, thi thoảng mới có, nhưng có thể hiểu rằng đó là kho hàng đã gom và đang chờ xuất hàng. Chứ sản xuất ra và để trong kho, lúc nào cũng có vài trăm tấn hàng cho khách xem thì hơi buồn cười và thừa vốn. Điều này có thể nói là phi lý.

Nếu đến xem cơ sở sản xuất mà thấy lèo tèo tầm 10 tấn/ngày thì chẳng khách nào xuống tiền để mua hàng chục nghìn tấn. Bao giờ mới đủ hàng để xuất? Các đầu mua hàng luôn có một đề nghị là cần xem kho hàng, nhà xưởng sản xuất trước. Việc này không có gì khó khăn, các nhà sản xuất và thậm chí cả các đơn vị thương mại gom hàng cũng không ngại dẫn đối tác mua hàng đi xem hàng và cơ sở sản xuất. Có điều, trong một tháng mà có tới 100 đề nghị như vậy, và sau khi dẫn khách hàng đi xem cả 100 lần thì rất mất thời gian, xem để làm gì, xem trước khi ký hợp đồng hay xem sau khi ký hợp đồng...

Phải liên doanh liên kết

Cần có một đơn vị thương mại đứng ra kết nối các nhà sản xuất lại để thu gom hàng thì mới có khả năng cung cấp đủ số lượng lên tới hàng nghìn tấn cho mỗi đơn hàng. Có rất nhiều các đơn vị thương mại có kinh nghiệm tại Việt Nam, có đơn vị thương mại thuần túy, có đơn vị thương mại xen lẫn sản xuất chính mặt hàng nhôm 96. Điều đặt ra là khách hàng cần mua dù là khách quốc tế hay khách mua hàng qua thương mại tại Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ lịch sử, quá trình hoạt động của đơn vị cung cấp để đảm bảo năng lực thực thi đơn hàng. Thường những người hiểu biết sẽ không làm việc với đơn vị sản xuất.

Các nhà mua hàng đưa ra một yêu cầu vô cùng vô lý. Đó là có thể mua hàng qua đơn vị thu gom nhưng lại không muốn trả phí thu gom. Ví dụ giá tại xưởng là 47.000đ/kg, mua qua đơn vị thu gom là 49.000đ/kg. Các nhà mua hàng thấy chênh 2000đ/kg thì từ chối ngay mà không cần biết để thực hiện được một đơn hàng, các nhà thu gom đã phải ứng tiền nhập hàng, nhân công, thời gian, kho bãi...

Cũng nên, đơn vị mua và đơn vị bán, thậm chí cùng với nhà môi giới, nhà sản xuất thông qua đơn vị luật sư để lên hợp đồng chặt chẽ, phân định trách nhiệm, tránh các trường hợp khi đơn vị thương mại trung gian biết rõ ngọn ngành việc nhập hàng thì ngay lập tức bỏ qua đơn vị cung cấp để làm trực tiếp. Cuối cùng đơn hàng đứt mà vẫn không hiểu tại sao.

Rất nhiều trường hợp hợp đồng đã lên, khách đã xem kho hàng, hàng đã kiểm định mà vẫn bị hủy cũng bởi sự không chặt chẽ trong việc phân định trách nhiệm, cũng như "lòng tham" của nhà mua hàng, hoặc nhà thương mại kết nối quá tin tưởng đối tác mua hàng, cứ tưởng họ mua thật, sau cùng không thấy tiền mới biết.

Việc liên doanh liên kết là cần thiết nhưng lại tiếp tục xuất hiện bài toán khó tiếp theo.

Thanh toán

Khách mua hàng đưa ra một yêu cầu rất chính đáng với các đơn hàng hàng nghìn tấn với giá trị hàng trăm tỷ là thanh toán L/C, bảo lãnh ngân hàng. Nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất chỉ có thể sản xuất với một số lượng rất nhỏ thì đầu tư hàng trăm tỷ, vài trăm tỷ để nhập hàng là rất khó. Các đơn vị thương mại lại càng khó vì hàng nhôm thỏi 96 là hàng tái chế, khả năng xuất khẩu hạn chế, tài chính của các đơn vị thương mại về ngành này tại Việt Nam, thậm chí phần lớn là các đơn vị Logistic nhận đơn (P/O) từ nước ngoài gửi thì càng không có vốn. Do đó, dù khách mua có nhiệt tình đến mấy thì khi mua hàng thanh toán bảo lãnh chắc chắn không thể thành công.

Cho nên, mua hàng này yêu cầu tài chính của đơn vị thương mại cực tốt, hoặc niềm tin lớn, quyết đoán để có thể thanh toán tiền mặt, thanh toán T/t, tạm ứng tiền mặt và xem hàng thanh toán nốt.

Mua nhiều đơn hàng nhỏ

Để đảm bảo an toàn thanh toán khi đặt cọc không bảo lãnh các đơn hàng lớn, thời gian đầu các bên nên giao dịch bằng các đơn hàng với giá trị vừa sức, hợp đồng chặt chẽ. Khi đã quen cách làm việc và cảm thấy đủ uy tín thì các bên có thể triển khai các đơn hàng lớn. Tuy nhiên, các ông chủ mua hàng từ Trung Quốc lại không có nhiều thời gian và thường thúc ép đơn hàng lớn. Vì vậy, bại sự nhiều hơn thành sự.

Lũng loạn thị trường

Nhiều đơn vị trung gian đặt câu hỏi: "Người mua họ có rảnh đâu mà đi hỏi hàng rồi không mua", làm đơn ảo để làm gì? Thực tế là đúng như vậy. Có điều với nhiều nhà mua hàng, nhu cầu của họ chỉ tầm 1000 tấn, nhưng họ quăng ra một cái mồi rất to, họ nói vống nhu cầu lên là 10.000 tấn, 100.000 tấn để tìm ra được đơn vị có giá tốt nhất. Thậm chí cho các đơn vị thương mại "đánh nhau", nháo nhào đi tìm, và mỗi nhà mua hàng lại tăng số lượng lên một tí với hi vọng nhà bán hàng tham, trưng ra cái giá rất thấp.

Ví dụ ở một thời điểm, giá nhôm thỏi 96 đang là 48.000đ/kg (chưa thuế, chưa vận chuyển, giá tại kho bán). Thì khi đưa ra đơn hàng cần mua 5000 tấn, nhà mua hàng thương mại ngay lập tức đề xuất giá thấp hơn 47.000đ, sau đó nhà mua hàng thương mại báo lại là đối tác nhập hàng Trung Quốc bảo là giá tại cửa khẩu chỉ có 46.000đ, thậm chí 45.000đ/kg. Điều này là bất khả thi và làm thị trường người mua kẻ bán nghi ngờ nhau.

Nên thành thật

Các nhà mua hàng tại Việt Nam có thể khẳng định 100% là người đi tìm hàng giúp đối tác nước ngoài, tài chính cũng không có. Nhưng khi đi gặp người bán lại "nổ" là mình có sẵn tiền, mình có thể quyết 100% đơn hàng, cứ tin tôi đi, bla, bla... Điều này khiến những nhà bán hàng không có kinh nghiệm "tưởng bở" và chăm chút. Cuối cùng thất vọng vì đối tác có nhu cầu thực sự, người cầm tiền từ chối là người mua trung gian chạy mất.

Bởi vậy, cần thành thật với nhau. Trong kinh doanh, việc này rất khó. Nhưng nếu người mua nghĩ rằng rất có thể trong tương lại sẽ quay trở lại gặp nhau, ở một tình huống khác chẳng hạn, thì việc "bỏ chạy" trong quá khứ sẽ dẫn đến việc gặp lại khó khăn, khó tiếp chuyện được lại. Việc thành thật có thể khiến không đạt được các mục tiêu như xem hàng, hỏi giá nhưng sẽ cho thấy cơ hội xúc tiến các đơn hàng thực sự, hoặc thậm chí là kết bạn với nhau mà không cần mua bán tiếp theo.

Chứng từ

Hiện nay, cơ quan thuế và cơ quan công an đang ngày càng gắt gao trong việc kiểm soát hóa đơn và tình trạng buôn bán hóa đơn. Các đơn vị sản xuất nhôm thỏi 96 nhập phế liệu nhôm như vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt...từ rất nhiều nguồn và khả năng có hóa đơn GTGT đầu vào hay không, các đơn vị sản xuất được cấp phép về sản xuất, kinh doanh phế liệu, môi trường hay không là vấn đề cần thảo luận thêm. Vì vậy khi nhập nhôm thỏi 96 để xuất cho nước ngoài hầu hết cần hóa đơn chứng từ cũng là bài toán khó. Nhà bán hàng báo có hóa đơn GTGT, nhà bán hàng báo không có. Kể cả có thì hóa đơn giá trị gia tăng đó hợp pháp hay không cũng không biết.

Vẫn có thị trường

Thực tế tại Việt Nam các làng nghề sản xuất nhôm thỏi phế liệu như tại Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai, Vũng Tàu...thì nhà sản xuất luôn có khách hàng thân thiết. Khả năng cấp hàng cho các đối tác thân thiết ổn định, thậm chí cần hiểu là không đủ hàng để bán vì nguyên vật liệu đầu vào là lon bia, lon nước ngọt phế liệu không dễ mua với rất nhiều chính sách hạn chế. Do đó, khi nguồn nhập hàng đang ổn định, phát sinh đơn hàng mới thì không nhất thiết cần bán hàng. Điều này đặt ra các cơ chế, chính sách cần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà sản xuất, thậm chí quy hoạch khu công nghiệp để đảm bảo yếu tố an toàn môi trường và đặc biệt là tăng sản lượng.

Và còn rất nhiều lý do dẫn đến việc rất khó thành công 1 đơn hàng bán nhôm 96. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật để chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

G

0904.56.8586